“Tôi đã thử cách là viết thư gửi mẹ. Chứ tôi không thể đối diện với bà mà nói rằng con bà là người đồng tính.” ( John, một người đồng tính nam ở Singapore )
Gia đình là một phần quan trọng trong cuộc sống mỗi người. Nhiều người đồng tính thấy rằng việc che giấu xu hướng tính dục của họ với cha mẹ có thể làm sứt mẻ mối quan hệ cởi mở và chân thật giữa cha mẹ và con cái. Do đó mà nhiều người đồng tính cảm thấy cần thiết phải công khai với cha mẹ của mình.
Một số người chỉ quan sát từ xa và kết luận ngay về thái độ của gia đình (Ví dụ: Chắc ba đã biết rồi, chắc mẹ sẽ chấp nhận). Thực tế là chỉ có đối thoại trực tiếp mới giúp bạn biết rõ ba mẹ và người nhà đang có quan điểm thế nào về việc mình là LGBT.
! Một phụ huynh có cái nhìn cởi mở về người LGBT trong xã hội nói chung vẫn chưa chắc sẽ dễ dàng chấp nhận ngay việc người thân trong nhà là LGBT.
* Trước khi công khai: Hiểu cha mẹ của bạn
1. Cha mẹ có thể chỉ biết về tình yêu khác giới
Thường thì cha mẹ bạn là những người dị tính. Họ có thể ít nghe nói đến hay chẳng hề biết gì về những mối quan hệ và tình yêu giữa những người cùng giới, nên không có gì lạ nếu cha mẹ thấy chuyện đồng tính là điều không thể hiểu được.
2. Cha mẹ làm vai trò dạy dỗ, định hướng và có thể thấy “mất mặt”
Xã hội chúng ta thường quan niệm rằng người cha người mẹ sẽ là những người có vai trò quan trọng trong việc dạy bảo và hướng dẫn con cái. Thế nên khi đồng tính vẫn còn bị hiểu lầm là một chuyện không tốt, cha mẹ biết chuyện sẽ cảm thấy mình có áp lực phải “sửa sai cho đứa con đồng tính”. Nhiều bậc phụ huynh đưa con họ đi gặp thầy cúng, đi cầu nguyện hay tìm các giải pháp “chữa trị” để cố “thay đổi” con mình. Một số người có thể bảo với bạn là hãy sống độc thân thôi, hay là cứ thử quen với người khác giới đi. Có gia đình còn dùng đến kỷ luật, bằng lời nói, tạo áp lực hay bằng cách đánh đập bạn. Chừng nào nhận ra những biện pháp kể trên là vô hiệu thì phụ huynh mới bỏ cuộc.
Vấn đề còn có thể liên quan đến “thể diện”. Cha mẹ thấy xấu hổ vì họ có con đồng tính hay vì nghĩ rằng mình nuôi dạy con chưa tốt nên nó mới là người đồng tính.
3. Những nỗi lo của cha mẹ
Trấn an cho cha mẹ là một việc quan trọng bạn cần phải làm khi công khai. Nỗi lo của các phụ huynh liên quan đến nhiều thứ về con họ.
- Sức khỏe của con: Vì đồng tính thường bị gán với bệnh AIDS, cha mẹ sợ rằng con họ có thể cũng mắc phải những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục như vậy.
- Công việc của con: Cha mẹ lo con mình có thể bị kỳ thị ở chỗ làm, từ đó sẽ bị mất việc, không có thu nhập và mất đi triển vọng thăng tiến trong nghề nghiệp.
- Sự an toàn của con: Phụ huynh có thể rất lo rằng bạn sẽ gặp phải nhiều định kiến và kỳ thị hơn từ xã hội xung quanh khi bạn là người đồng tính.
- Các mối quan hệ của con: Cha mẹ lo không biết con họ có thể được hạnh phúc không, rồi nó tìm được ai yêu thương và chăm sóc cho nó không. Vì cha mẹ vốn không biết gì nhiều về chuyện đồng tính, họ cũng không biết làm cách nào để hỗ trợ, chia sẻ với con về những mối quan hệ của nó. Điều này càng khiến các bậc cha mẹ cảm thấy bất lực nhiều hơn.
4. Cha mẹ vốn nghĩ bạn là dị tính mà thôi
Hầu hết các bậc phụ huynh mong đợi và tưởng rằng con mình chỉ yêu người khác giới. Cho nên việc bạn công khai mình yêu người cùng giới sẽ làm đảo lộn mọi suy nghĩ và tưởng tượng của cha mẹ về bạn. Đứa con mà họ tưởng như rất thân thuộc với mình đột nhiên giống như một người khác. Vì thế điều quan trọng là bạn cần chứng minh cho cha mẹ thấy thực ra bạn vẫn là đứa con của cha mẹ như hồi nào đến giờ, có những sở thích cá nhân, những người bạn, giá trị và mong ước trong cuộc sống như trước kia.
5. Nếu tôn giáo của cha mẹ bạn nói rằng đồng tính là điều sai trái
Cha mẹ bạn có thể dựa trên niềm tin tôn giáo để phản đối chuyện bạn đồng tính. Trong trường hợp đó, bạn có thể đưa cha mẹ đến gặp những người nào (cha cố, sư thầy,…) có quan điểm ủng hộ; hoặc giới thiệu cho cha mẹ biết những thông tin, quan điểm khác trong tôn giáo về chủ đề đồng tính.
* Trước khi công khai: Tìm các nguồn hỗ trợ
- Nguồn thông tin: Để sẵn những tài liệu hay thông tin liên lạc của những đơn vị, chuyên gia có uy tín và hiểu biết khoa học về LGBT. Có thể dẫn những nguồn uy tín như Hội Tâm lý học Hoa Kì (American Psychological Association – APA, Mỹ) hay các địa chỉ tham khảo ở cuối sách này. Nếu cha mẹ hỏi những câu như, “Sao con biết con là đồng tính?” hay, “Đó chỉ là cảm xúc thoáng qua thôi, sau này sẽ hết.”, “Con hết thích là được mà, phải không?” Một khi đã có tìm hiểu kiến thức khoa học và chấp nhận chính mình, bạn cứ hãy trả lời cha mẹ một cách tự tin.
- Những người hỗ trợ: Quá trình công khai với gia đình có thể tạo ra những tác động đáng kể đến bạn về tâm lý, tinh thần. Các phụ huynh có thể sẽ nói những lời lẽ nặng nề (như cho bạn là “không bình thường”, “biến thái”, “bệnh hoạn”, “ghê tởm”) và hành động gây áp lực (như im lặng không nói gì nữa). Nếu bạn đang sống chung với cha mẹ và còn phụ thuộc tài chính, hãy chuẩn bị cho tình huống cha mẹ không chấp nhận bạn và cắt nguồn chi tiêu của bạn. Nếu bị đuổi khỏi nhà, bạn cần tìm chỗ để ngủ. Đây là những vấn đề khá nghiêm trọng và thực tế hoàn toàn có thể xảy ra.
! Để tránh rơi vào những tình thế quá tiêu cực, lời khuyên phổ biến là bạn KHÔNG nên công khai với gia đình khi chưa tự chủ hoặc xoay sở được tài chính.
Bạn có thể tìm những người có thể đóng vai trò trung gian, đứng giữa bạn và cha mẹ như: Những người anh chị, bà con họ hàng, bạn hay nhóm bạn mà cha mẹ bạn tin tưởng. Trong lúc thấy khó khăn, bạn cũng có thể đến dự những buổi nói chuyện chuyên đề về LGBT để gặp gỡ và hỏi ý kiến mọi người, hoặc gặp chuyên gia tham vấn đáng tin cậy về LGBT.
Hãy lưu ý sự khác biệt giữa những người đã chấp nhận và ủng hộ bạn. Một người “chấp nhận” có thể vẫn không nghĩ chuyện LGBT là bình thường, mà đơn giản là họ không thấy chuyện đó gây trở ngại gì cho mối quan hệ giữa hai người. Họ có thể vẫn là bạn bè của bạn, nhưng thường không đáng tin cậy để bạn nói sâu vào đề tài LGBT hay nhờ làm trung gian. Còn một người thực sự “ủng hộ” tức là người thừa nhận bạn và mối quan hệ tình cảm của bạn theo cùng một cách như với bao mối quan hệ của người khác.
! Nếu bạn thấy nguy cơ cha mẹ, anh chị, bà con sẽ có hành vi bạo lực thể xác với mình, ĐỪNG công khai. Bạn có thể tìm cách ra ở riêng trước. Trên hết hãy ưu tiên sự an toàn của chính mình.
* Trước khi công khai: Chuẩn bị ứng phó những biến động
Cha mẹ bạn có thể sẽ phản ứng tức thời theo những gì họ biết trước đến giờ. Họ có thể lo lắng ngay là sau này ăn nói làm sao với bà con họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp. Họ có thể thấy mâu thuẫn và quanh quẩn giữa muốn chối bỏ, muốn chấp nhận, với muốn phản đối. Bạn có thể không lường được hết những cơn cảm xúc của cha mẹ do họ đang thấy quá tức giận, lo lắng, căng thẳng, tội lỗi. Cha mẹ khi đó có thể nói những lời nói, làm những việc làm gây tổn thương bạn. Một số phụ huynh sẽ nói những câu làm đứa con thấy có lỗi, “Con không biết hiếu thảo với cha mẹ là gì sao?” hay “Con có sống một mình đâu, phải biết nghĩ cho gia đình chứ.”
Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta nói với nhau rằng công khai là quá trình của cả đời. Nhiều khi mãi về sau này cha mẹ vẫn cứ mong ngóng con mình sẽ sớm “quay lại” và yêu người khác giới.
! Nhiều người đồng tính phải công khai với cha mẹ nhiều lần trước khi thực sự được chấp nhận. Bạn cần có sự kiên trì, kiên nhẫn lớn lao và sự hỗ trợ của những người khác nữa.
* Công khai lần đầu tiên với cha mẹ
1. Công khai với từng người một, mẹ hoặc ba. Lần lượt thăm dò thái độ của từng người và quyết định công khai với người mà bạn cho là dễ chấp nhận xu hướng tính dục của bạn nhất.
2. Dành đủ thời gian, lựa chọn khoảng thời gian thong thả và một không gian thích hợp, đủ riêng tư và thoải mái để các bên có thể bộc lộ cảm xúc.
3. Trấn an người thân: rằng chuyện bạn là LGBT không phải là lỗi của ai, càng không phải là lỗi của bố mẹ khi nuôi nấng bạn.
Làm cha mẹ thì liên quan đến việc dạy dỗ con cái, đồng thời lại có cách hiểu sai trong xã hội là người trẻ có thể “bị dụ dỗ” thành đồng tính. Vì vậy cha mẹ bạn có thể cảm thấy họ đã dạy dỗ con cái không thành, không giúp được con tránh xa cám dỗ nên bạn mới đồng tính. Họ có thể thấy mình có trách nhiệm và nói những điều như, “Có phải do lỗi của ba/ mẹ mà con như vậy không?” hay “Ba/mẹ xin lỗi đã không quan tâm nhiều hơn đến con lúc nhỏ.” Khi đó bạn hãy khẳng định lại cho ba mẹ biết rằng không có chứng cứ khoa học thuyết phục nào chứng minh được xu hướng tính dục là kết quả của quá trình nuôi nấng. Ngoài ra, ngày càng có nhiều chứng cứ khoa học cho thấy được những yếu tố sinh học quy định xu hướng tính dục của một người. Nhưng cũng phải nhấn mạnh thêm rằng “yếu tố sinh học” không có nghĩa là bạn bị khiếm khuyết hay “lỗi của tạo hóa” mà đồng tính là một xu hướng bình thường và tự nhiên của con người. Bạn có thể dẫn các số liệu như 5%-7% dân số thế giới là người đồng tính để cha mẹ cảm thấy bạn không quá đơn độc.
4. Quan tâm người thân: bằng cách thể hiện sự yêu thương và quan tâm đến cảm xúc và sức khỏe bố mẹ, để bố mẹ thấy con họ vẫn là đứa con mà họ biết từ trước đến giờ. Những cử chỉ quan tâm dù là nhỏ nhất như hỏi thăm sức khỏe, nhắc uống thuốc, nhắc chế độ ăn uống, dặn mặc quần áo đủ ấm,… đều có thể góp phần làm cha mẹ an lòng hơn.
5. Tạo niềm tin cho người thân: bằng cách cho người thân thấy là bạn có thể tự lập, tự chăm sóc và tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của chính mình.
* Nếu người nhà phát hiện, biết được thì sao?
Người nhà có thể phát hiện chuyện bạn là LGBT qua nhật ký của bạn, hay tài liệu, tạp chí, cuốn phim về LGBT để đâu đó trong nhà. Hoặc hàng xóm/bà con/đồng nghiệp của cha mẹ thấy bạn đi với người yêu rồi tiết lộ ra. Những khi đó cha mẹ thường sẽ thấy hốt hoảng và gọi bạn lại để hỏi, và kế hoạch trước đó của bạn (công khai sau này hoặc cứ ở trong tủ kín) coi như không thành. Như vậy, trong khi chưa chuẩn bị kế hoạch để công khai, bạn vẫn rất cần có một kế hoạch ứng phó trong trường hợp người nhà phát hiện, biết được.
Khi bị phát hiện thường mọi người sẽ trả lời như:
1. Chối: “Không, đâu có gì đâu ạ.”
2. Đổi hướng: “Cha/mẹ nghĩ quá rồi, làm sao con là người đồng tính được?”
3. Thừa nhận một phần: “Con mới cảm thấy gần đây, cũng đang tìm hiểu thêm ạ.”
4. Thừa nhận “lỗi”: “Con xin lỗi, con sẽ không như vậy nữa.”
5. Công khai: “Dạ vâng, con là người đồng tính.”
Một số lưu ý khi bị phát hiện:
1. “Chứng cứ” mà cha mẹ bạn có rõ ràng hay chưa: Nếu chuyện đã rõ rành rành (ví dụ: chính mắt cha mẹ thấy bạn với người yêu của bạn), khi đó nếu bạn chối (mình không phải LGBT) thì chỉ làm cha mẹ thêm không tin tưởng bạn.
2. Cha mẹ lo lắng hay giận dữ: Bạn thử đánh giá cha mẹ lúc đó có vẻ lo nhiều hơn giận, hay ngược lại, v.v. Nếu cha mẹ chỉ có vẻ lo lắng thôi thì bạn có thể bắt chuyện và trò chuyện nhiều hơn. Còn nếu không thì cần phải ưu tiên sự an toàn của chính mình trước.
3. Mối quan hệ giữa bạn và cha mẹ: Nếu đang có sẵn những bất hòa nào đó trong quan hệ cha mẹ với con cái, việc bạn thừa nhận và công khai lúc này chỉ làm cha mẹ thêm tức giận mà thôi. Tốt hơn là hoãn việc công khai lại.
Theo Trần Khắc Tùng (ICS)
Social Links: